Đề xuất một dạng đề thi tốt nghiệp 2014
Đề thi gồm 2 phần: Phần 1 (5 điểm): Kiểm tra đánh giá (KTĐG) kĩ năng đọc của HS (theo hình thức của PISA); Phần 2 (5 điểm): KTĐG kĩ năng v...
https://hocvan123.blogspot.com/2014/04/e-xuat-mot-dang-e-thi-tot-nghiep-2014.html
Đề thi gồm 2 phần: Phần 1 (5 điểm): Kiểm tra đánh giá (KTĐG) kĩ năng đọc của HS (theo hình thức của PISA); Phần 2 (5 điểm): KTĐG kĩ năng viết (làm văn) của HS (theo hướng mở, tích hợp).Trong kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, cần đổi mới cách ra đề theo hướng đánh giá năng lực Ngữ văn của người học và yêu cầu cao dần qua các năm theo hướng sau: Cụ thể là:
Phần 1 (5 điểm). Có 2 phương án ra đề thi:
Phương án 1: Đưa ra một số văn bản ngắn (gồm cả văn bản hoàn chỉnh và đoạn văn), lấy từ những nguồn khác nhau, ngoài chương trình SGK (như sách báo, Internet…); nội dung bàn về một vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, y học, khoa học…; thuộc hai dạng: văn bản văn học và văn bản thông tin; được viết theo các phong cách ngôn ngữ mà học sinh THPT đã học, tập trung vào các phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/văn học, khoa học, báo chí, hành chính.
Các văn bản phù hợp với trình độ nhận thức của HS; khuyến khích các văn bản có hình thức trình bày đa dạng (gồm cả chữ viết, hình ảnh…).
Xây dựng bộ câu hỏi gồm 5 loại câu hỏi của PISA (như đã nêu ở trên). Hạn chế các câu hỏi nhận biết, tăng cường các câu hỏi thông hiểu và vận dụng. Yêu cầu học sinh tìm kiếm thông tin từ văn bản; tích hợp và suy luận thông tin đã đọc; phản ánh và đánh giá, tìm hiểu văn bản và liên hệ với kinh nghiệm bản thân.
Mục đích của phương án này là kiểm tra kĩ năng đọc các loại văn bản khác nhau.
Phương án 2: Đưa ra một văn bản văn học (thơ hoặc văn xuôi, có thể là văn bản hoàn chỉnh hoặc một đoạn trích) không có trong chương trình, SGK nhưng cùng chủ đề hoặc đề tài và thể loại với các văn bản đã học. Xây dựng bộ câu hỏi như cách 1.
Mục đích của phương án này là kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc văn bản văn học – loại văn bản mà học sinh được học nhiều nhất trong chương trình, SGK hiện nay.
Cả hai phương án này đều có thể sử dụng để ra đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Phần 2 (5 điểm). Có 3 phương án ra đề thi:
Phương án 1: Yêu cầu HS viết bài văn nghị luận xã hội.
Dạng đề: Tự luận, theo hướng mở, tích hợp liên môn nhằm kiểm tra vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, khả năng giải quyết vấn đề của học sinh.
Phương án này phù hợp với đề thi tốt nghiệp THPT vì có thể học sinh sau khi tốt nghiệp không thi tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc lựa chọn các ngành nghề liên quan đến văn học.
Phương án 2: Gồm 2 câu, HS chỉ lựa chọn 1 câu để làm bài:
Câu 1: Yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội.
Dạng đề: Tự luận, theo hướng mở, tích hợp liên môn nhằm kiểm tra vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, khả năng giải quyết vấn đề của học sinh.
Câu này dự kiến được nhiều học sinh không thi ĐH, CĐ hoặc không thi vào các trường/ngành khoa học xã hội lựa chọn vì nó phù hợp với trình độ khuynh hướng nghề nghiệp của các em. Học sinh lựa chọn câu này vẫn được đánh giá NL văn học vì ở Phần 1 của đề thi đã có những câu hỏi về VB văn học.
Câu 2: Yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận văn học.
Dạng đề: Tự luận, theo hướng mở, tích hợp trong môn hoặc liên môn nhằm kiểm tra năng lực tiếp nhận/cảm thụ văn học, khả năng trình bày, giải quyết vấn đề của học sinh.
Trước mắt, có thể hỏi về một hoặc toàn bộ các vấn đề liên quan đến văn bản văn học đã học hoặc đọc thêm trong chương trình, SGK nhưng không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc.
Về sau, sẽ đưa vào đề thi văn bản văn học mới, có cùng chủ đề hoặc thể loại với các văn bản đã học trong chương trình, SGK. Câu này khuyến khích những học sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào các trường/ngành khoa học xã hội lựa chọn vì nó phù hợp với trình độ khuynh hướng nghề nghiệp của các em.
Phương án này có thể sử dụng trong cả kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Phương án 3: Gồm 2 câu, HS chỉ lựa chọn 1 câu để làm bài:
Câu 1: Yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận văn học về tác phẩm thơ.
Câu 2: Yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận văn học về tác phẩm văn xuôi hoặc kịch.
Dạng đề: tương tự như Câu 2 của cách 2.
Phương án này dùng cho kì thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ có các ngành xã hội.
(Theo Vietnamnet)