Những cách tân trong ngôn ngữ thơ Xuân Diệu thể hiện trong bài thơ “ Vội vàng”.

                Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn thơ Việt  Nam  với một diện mạo đầy mới mẻ, lạ lùng. Lạ lùng và mới mẻ ngay cả với những...



                Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn thơ Việt Nam với một diện mạo đầy mới mẻ, lạ lùng. Lạ lùng và mới mẻ ngay cả với những nhà “thơ mới”. Có thể nói ông đã có sự cách tân sâu sắc và toàn diện nhất về mọi phương diện trong sáng tạo thi ca. Đặc biệt là về phương diện sử dung ngôn ngữ nghệ thuật. Xuân Diệu đã tạo ra cho thơ mình một hệ thống ngôn ngữ đầy cá tính, sáng tạo về hình ảnh, nhịp điệu,hình thức tổ chức câu thơ cùng những lời lẽ cách nói năng mà đa phần trước đây người ta chưa thấy trong thơ ca truyền thống. Trong bài viết này tôi xin kiến giải phần nào những cách tân mới mẻ ấy thể hiện trong bài thơ “Vội vàng”.
             Xin nói trước hết về hình ảnh thơ. Trong thơ Xuân Diệu có những hình ảnh thơ đột ngột kì lạ mà vẫn duyên dáng, vừa đài các sang trọng đến lão luyện tinh vi mà vẫn vô cùng hiện đại. Có thể dẫn ra trong bài thơ Vội vàng dày đặc những hình ảnh như vậy: “ong bướm”, “hoa” “đồng nội xanh rì”, “cành tơ phơ phất”, “yến anh”,”ánh sáng chớp hàng mi”,”thần Vui hằng gõ cửa”..Những hỉnh ảnh ấy được sử với mật độ dày tạo nên trong thơ ông một thế giới đầy màu sắc, ánh sáng rộn ràng tươi mới. Cuộc đời thực nơi trần thế bỗng trở nên non xanh, mơn mởn đầy sức sống, đầy sinh động và vô cùng quyến rũ. Không hề khô cứng, đóng khung, toàn bài thơ như một bức tranh động với sự chuyển biến kì diệu của những mảng màu sắc.
          Nhà thơ chiêu dụng trong thơ mình những hình ảnh đầy bất ngờ thú vị, bất chấp mọi lề luật khuôn thước: “tắt nắng đi”, “buộc gió lại” “riết mây đưa và gió lượn”, “say cánh bướm với tình yêu”,”thâu trong một cái hôn nhiều”... Những hình ảnh vận động đầy mạnh mẽ khi được ghép cặp với các động từ “buộc”, “riết”,”say”,”thâu”... Nó hoàn toàn không thâm trầm, mực thước như nhũng bức thủy mặc mà các cụ ta chuộng.
Sử dụng hình ảnh đã vậy, Xuân Diệu còn khiến người đọc còn rung động mạnh bởi nhạc điệu trong thơ. “Thơ là một dạng lời nói có hệ thống ngữ điệu đặc biệt”(Timofeep). Và Xuân Diệu “đã phổ vào thơ lãng mạn Việt nam những giai điệu tân kì đến mê ly”,”họ gọi thơ ông là một thứ âm điệu cực kì du dương”,”một sự tuyệt tác của nhạc cảm”,”một nhạc điệu điếng hồn”. Ông sử dụng linh hoạt các cách ngắt nhịp. Ta thử khảo sát một đoạn thơ trong bài Vội vàng:
Của ong bướm /này đây/ tuần tháng mật;(3/2/3)
Này đây hoa/ của đồng nội xanh rì;(3/5)
Này đây lá/ của cành tơ phơ phất;(3/5)
Của yến anh/ này đây/ khúc tình si;(3/2/3)
Và này đây/ ánh sáng chớp hàng mi,(3/5)
Mỗi buổi sớm/ thần Vui/ hằng gõ cửa;(3/2/3)
Tháng giêng ngon /như một cặp môi gần;(3/5)
Tôi sung sướng/ nhưng vội vàng một nửa:(3/5)
Tôi không chờ/ nắng hạ/ mới hoài xuân.(3/2/3)
       Trong một đoạn thơ nhà thơ đã sử dụng hai kiểu ngắt nhịp:3/2/3; 3/5 và liên tục thay đổi cách ngắt nhịp đầy linh hoạt uyển chuyển dường như là theo rất sát mạch cảm xúc  khi dồn dập gấp gáp hối thúc, khi chậm dãi ngẩn ngơ, nuối tiếc...
      Ngoài ra một yếu tố tạo nên tính nhạc trong thơ ông không thể không nói đến đó là nghệ thuật điệp.
Từ điệp từ:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Điệp cụm từ:
Chẳng bao giờ,ôi! Chẳng bao giờ nữa..
Đến điệp cấu trúc một câu:
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Điệp cấu trúc hai câu một:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Nghệ thuật chuyển đổi vị trí và hình thức điệp cũng hết sức tái tình và hợp lí:
Của ong bướm này đây(1) tuần tháng mật:
Này đây(2) hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây(3) lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây(4) khúc tình si;
Và này đây(5) ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Từ điệp ở giữa câu với đầu câu : (1) và (2)  ông chuyển sang điệp đầu câu (2) và (3) sau đó lại chuyển vào giữa câu, (3) với (4) và (4) với (5).
Có thể là điệp liền câu:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Hoặc điệp cách quãng :
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
...
Của yến anh này đây khúc tình si
Hay :
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
...
Rồi từ điệp một cụm từ ;
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Ông chuyển sang điệp một từ :
 non nước và cây  cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm,cho đã đầy ánh sáng.
Cho no nê thanh sắc của thời tươi ;
     Nói tóm tại sự chuyển đổi vị trí và hình thức điệp là rất đa dạng linh hoạt không theo bất cứ một quy luật hay khuôn khổ nào cả, thực sự rất khó nắm bắt. Có lẽ chính điều ấy đã tạo nên sự phá vỡ mọi giới hạn trong việc biểu lộ cảm xúc đầy rộn rã trào dâng mãnh liệt như những đợt sóng ào ạt liên tiếp, liên tiếp xô tới không ngừng.
Cái tài tình, cái cách tân của Xuân Diệu còn được thể hiện ở việc ông làm mới những biện pháp tu từ nghệ thuật.
Cách ví von so sánh đầy mới mẻ phá cách mà hết sức độc đáo đầy thú vị:
                "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"
Chưa bao giờ ta thấy trước đây trong thi ca những hình ảnh so sánh đại loại như vậy. Nó hết sức mới, hết sức lạ mà vẫn không kém phần cụ thể, sinh động hấp dẫn thực là làm ngỡ ngàng cả một thời đại thi ca đương thời.
Các phép ẩn dụ cũng độc đáo không kém. Những “ong bướm”, “tuần tháng mật”, “yến anh”, “thần Vui”...mang lại cho thơ ông một sự tinh tế, nhuần nhụy trong bộc lộ ý tứ.
Rồi hô ứng :
 "Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"
Và chuyển đổi cảm giác:
"Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi"
Ngoài ra ông còn vận dụng vào thơ mình nghệ thuật chuyển loại từ, đảo ngữ, nhân hóa...cũng góp một phần đáng kể vào việc tạo nên sự thành công chung của thi phẩm.
            Như vậy đến đây chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định những cách tân sâu sắc trong việc sử dụng ngôn từ của Xuân Diệu. Vượt lên trên sức hủy diệt của thời gian thơ ông là tiếng đàn của cảm xúc thôi thúc, thức tỉnh ở loài người khả năng sống bằng cả trái tim, tâm hồn, thể phách làm sống dậy mọi giác quan để hưởng một cách trọn vẹn nhất cuộc đời đầy màu sắc, hương vị và ngọt lành. Cảm ơn Xuân Diệu và thơ ông...

Related

Xuân Diệu 5212927249506158540

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến. Rất mong sự ghé thăm thường xuyên của bạn!

emo-but-icon

THANH MAI TV

GẦN ĐÂY

NỔI BẬT

BÌNH LUẬN

item