Phân tích nghệ thuật lập luận trong Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh)


- Giọng của người không phải sấm trên cao

Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước
Con nghe bác tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngàn xưa và cả nước mai sau
(Tố Hữu)
1.     Tác giả
2.     Tác phẩm.
a.     Hoàn cảnh sáng tác.
Ngày 19/8/ 1945, chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Người soạn thảo bản "Tuyên ngôn độc lập" tại căn nhà 48 phố Hàng Ngang. Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt nam Dân chủ cộng hòa đọc bản "Tuyên ngôn độc lập".
 Lúc này cũng là thời điểm bọn đế quốc, thực dân nấp sau quân Đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật, đang âm mưu chiếm lại nước ta. Thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là thuộc địa cảu Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng nên Đông Dương phải thuộc quyền của Pháp.
Tình hình kinh tế, chính trị rất rối ren. Ngân hàng trống rỗng, nhân dân vừa trải qua nạn đói. Nạn lụt cướp trắng lúa, hoa màu. Hơn 20 vạn quân tưởng vào miền bắc. Ở miền nam quân viễn chinh pháp theo sau quân Anh…
.b. Giá trị của bản tuyên ngôn
- Là mốc son chói lọi khép lại gần 1000 năm chế độ PK và gần 100 năm thực dân Pháp đặt ách thống trị. Mở ra trang sử mới của dân tộc VN, kỉ nguyên độc lập tự do làm chủ đất nước.
- "Tuyên Ngôn độc lập" là một áng văn yêu nước lớn của thời đại. Tác phẩm khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập dân tộc gắn liền với quyền sống của con người, nêu cao truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo của Việt Nam.
- "Tuyên Ngôn độc lập" là một áng văn chính luận mẫu mực. Dung lượng tác phẩm ngắn gọn, cô đọng gây ấn tượng  sâu sắc. Kết cấu tác phẩm mạch lạc, chặt chẽ, chứng cứ cụ thể, xác thực, lập luận sắc bén, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ tác phẩm chính xác, gợi cảm, tác động mạnh mẽ và tình cảm, nhận thức của người nghe, người đọc.
c. Mục đích sáng tác.
-  Chính thức tuyên bố trước quốc dân, trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
-  Ngăn chặn âm mưu chuẩn bị chiếm lại nước ta của bọn đế quốc thực dân.
-  Tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt 80 năm qua và tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
-  Khẳng định ý chí của cả dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo về nền độc lập, tự do của tổ quốc
d. Đối tượng
- Đối tượng được nghe trước hết là một triệu đồng bào trong cuộc biểu tình, là hai mươi lăm triệu nhân dân cả nước đang hướng về Thủ đô Cách mạng…Tất nhiên chúng ta hiểu được nước ta là của ta. Ta hiểu từ lâu rồi, từ bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ta đã khẳng định như thế nhiều lần, “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” hoặc:

“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.”
(Bình Ngô đại cáo)
Nhưng trong hai mươi lăm triệu tất cũng có người còn ngơ ngác bàng hoàng vì cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi quá nhanh, chưa kịp tĩnh tâm để xóa được ngay những luận điệu xảo trá tung ra liên tục tám chục năm qua. Và, có hiểu rồi, nhắc lại cũng không sao. Có những sự thật nghe hàng nghìn lần vẫn thấy sảng khoái.
- Mặt khác, đối tượng nghe đâu phải chỉ có Việt Nam.Còn có “Đồng Minh”, có Mỹ, tên trùm tư bản quốc tế, đã trở thành tên đế quốc đầu sỏ sau đại chiến. Có Pháp đang hí hửng giơ vuốt, nhe nanh. Hồ Chí Minh hôm nay, Nguyễn Ái Quốc hôm qua còn lạ gì bụng dạ chúng. Lấy ngay lời nói của chính các bậc tiền bối của chúng, những lời tuyên bố trịnh trọng trong những hoàn cảnh lịch sử vĩ đại mà chúng không thể biết. Chúng cố tình quên thì nhắc lại. Nhắc lại những lời chí lý của những người Mỹ cách đấy chỉ gần hai trăm năm cũng có hoàn cảnh bị áp bức, bị làm nhục như Việt Nam. Câu nói của tên thủ tướng Anh Uy – Liêm như còn văng vẳng bên tai: “Hễ Mỹ làm ra dù chỉ một sợi len, một miếng sắt móng ngựa là bản chức sẽ cho lính sang đóng đầy xứ ngay lập tức.”

3. Nét đặc sắc của đoạn văn mở đầu
a. Nội dung
- Tạo cơ sở pháp lý chính ngĩa tất yếu cho bản Tuyên ngôn đọc lập của nước VN
- Người tỏ ra trân trọng những bản tuyên ngôn độc lập tiến bộ của những nước lớn trên thế giới.
- Người đã nâng tầm vóc lớn lao của bản tuyên ngôn độc lập VN lên ngang hàng với bản tuyên ngôn độc lạp của các nước tiến bộ trên thế giới thể hiện lòng tự hào dân tộc.
- Tố cáo tôi ác ngăn chặn âm mưu đen tối muốn xâm lược VN của Mĩ Pháp.
b.Nghệ thuật
- Lối so sánh tương đồng.
Người đã trích dẫn hai câu nổi tiếng nói về quyền con người. Một câu trong bản tuyên ngôn độc lập của Mĩ (1776) và một câu trong bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp 1781.
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ  những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.Năm 1776 ở nước Mĩ tổng thống Oa sinh tơn lãnh đạo nhân dân Mĩ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Anh và giành thắng lợi lập nên hợp chủng quốc Hoa kì đã đòi được quyền con người “quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hp”. Bản Tuyên ngôn ấy dã được cả thế giới tiến bộ công nhận, trân trọng ca ngợi hơn 2000 năm. Nước VN năm 1945 vào tháng Tám mùa thu , bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân Vn chống chủ nghĩa thực dân Pháp để đòi quyền con người giống như nhiệm vị và mục đích của bản tuyên ngôn độc lập nước Mĩ. Vì thế nếu nhân loại công nhận bản tuyên ngôn của nước Mĩ thì cũng phải công nhận tuyên ngôn của VN như tất yếu.
Khi mượn trích dẫn của Tuyên ngôn độc lập nước Mĩ, bác Hồ tiếp tục nâng cao từ quyền con người thành quyên dân tộc. “Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sống, quyền tự do”. Điều này đã được nhân dân thế giới ca ngợi là bác đã có công nâng quyền con người lên thành quyền dân tộc.
Bác hồ cũng trích dẫn một câu trong tuyên ngôn dân quyền, nhân quyền của nước Pháp năm 1791 do giai cấp tư sản đánh đổ phong kiến chuyên chế mục đích tạo nên sự nhấn mạnh mạnh mẽ nét tương đồng với cách mạng VN 1945 đồng thời đánh đuổi thực dân Pháp là đánh đổ chế độ PK đòi quyền con người như nước Pháp. “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và
phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
- Lối viết gậy ông đập lưng ông và lạt mềm buộc chặt
Với tình hình năm 1945, với đôi mắt nhìn thấu tương lai của Bác người đã thấy rõ những âm mưu đen tối muốn xâm chiếm VN của Mĩ và tái chiếm của Pháp nên đưa hai câu trích dẫn vào.
Trong thực tế Mĩ luôn huênh hoang tự hào là thế giới của tự do, bình đẳng thể hiện qua biểu tượng nổi tiếng nữ thần tự do, là một trong ba nước đứng về phe đồng minh bảo vệ an ninh thê giới. Nếu như chúng có ý đi xâm chiếm Vn tức là tự vấy bùn lên lá cờ tự do bình đăng, lá cờ nhân đạo mà cha ông chúng đã  gây dựng.
Trong thực tế thì Pháp cũng vậy. Chúng rêu rao khắp thế giới đem lá cờ tự do bình đẳng đi khai bắc ái đến khai hóa văn minh cho các nước thuộc địa thế mà đã hơn 89 năm chúng cướp nước ta, áp bức đồng bào ta bây giờ lại lăm le tái chiếm.
3.     Lập luận sắc bén, chặt chẽ, hào sảng, dư ba.
a. Phủ nhận luận điệu kể công khai hóa văn minh.
- Sử dụng đại từ “chúng, bọn”lặp di lặp lại nhiều lần để chỉ thực dân Pháp thể hiện thái độ căm ghét, khinh bỉ.
- Liệt kê hàng loạt, trùng điệp các tôi ác của thực dân Pháp về mọi mặt chính trị, quân sự, văn hóa, kt..
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác
nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta,
để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
      “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém
giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi
nghĩa của ta trong những bể máu.
     Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
    Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo
nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất,
hầm mỏ, nguyên liệu.
    Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
    Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày
và dân buôn trở nên bần cùng.
    Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công
nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
Khiến cho người đọc người nghe cảm nhật những tôi ác ấy cứ chồng chất như núi, kéo dài như sông không giấy bút nào ghi hết.
Trúc Nam sơn không ghi hết tội
Nước Đông hải không rửa sạch mùi
(Nguyễn Trãi).
-      Sử dụng một loạt tính từ bình giá “dã man, suy nhược, xơ xác, tiêu điều, tận xương tận tủy, vô cùng tàn nhẫn…tất cả làm dẫn đến kết quả “nghèo nàn, thiếu thốn, bần cùng, không ngóc đầu lên được..”
- Các chùm từ đồng nghĩa nhấn mạnh vào đối tượng phải hứng chịu những tội ác cua thực dân Pháp: “đất nước ta, đồng bào ta,nhân dân ta, nước nhà ta, dân tộc ta, những người yêu nước thương nòi của ta, cuộc khoeir nghĩa của ta..” Điệp từ “ta” lặp lại nhiều lần tạo thành lòng tự tôn dân tộc sâu sắc trong một khối đoàn kêt dân tộc.
b. Phủ nhận luận điệu kể công bảo hộ, đòi quyền thuộc địa
Vẫn cái giọng châm biếm, đả kích sắc sảo, trí tuệ (thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại trong năm năm, chúng bán nước ta hai lần cho Nhật).
Bản tuyên ngôn này chỉ khái quát hai loại tội ác về chính trị và kinh tế, đủ nhắc nhở đồng bào tăng cường cảnh giác và để dùng làm một luận cứ cho lí lẽ của bản Tuyên ngôn: Pháp không có quyền nói đến chuyện “bảo hộ” Việt Nam.
Bọn thực dân Pháp cũng như mọi kẻ áp bức, lúc còn quyền hành thì hống hách, hung bạo, lúc thất thế thì đê hèn, mất hết, mất hết liêm sỉ, giẫm lên nhân phẩm để bám lấy chút sống thừa. Quỳ gối đầu hàng Nhật, chúng gây bao nhiêu tội ác. Đối với nhân dân Việt Nam mà chúng vẫn rêu rao được chúng “bảo hộ”, “khai hóa”, chúng quàng thêm một ách lên đầu. Kết quả thảm hại, cụ thể mà lịch sử Việt Nam và nhân loại ghi bằng chữ máu không thể phai mờ với thời gian là hai triệu người đã chết đói “chỉ riêng từ Quảng Trị đến Bắc Kì”.
Đối với Đồng minh là phe của chúng, chúng phản bội, chúng biến Việt Minh là những người đứng về phe Đồng Minh thành kẻ thù chính, và “thẳng tay khủng bố”.
Nhiều động từ miêu tả được dùng để vẽ lên hình ảnh thảm bại của chúng: quỳ gối đầu hàng, mở cửa rước Nhật, bỏ chạy…Trong sự việc nêu ở câu cuối của đoạn văn mỗi chữ dùng, mỗi nét phác họa đều có ý nghĩa (thậm chí, nhẫn tâm, giết nốt số đông tù chính trị…).
Đối lập với cái ti tiện, cái dã man của chúng là lượng hải hà, là những hành động văn minh của nhân dân ta. Cũng chỉ là những hiện tượng lịch sử. Nhưng đặt vào đây nó có tác dụng như một thủ pháp nghệ thuật làm nổi bật lên cái khác nhau về bản chất giữa ta và địch, khẳng định thêm về chất nhân đạo của dân ta. Đối với kẻ tay còn đẫm máu Việt Nam, nhân dân và cách mạng Việt Nam vẫn giúp họ, cứu họ, bảo vệ họ. Ba động từ biểu hiện ba hình thái tương quan với kẻ thù, ba trạng thái cụ thể của lòng nhân đạo Việt Nam. Giúp là đối với kẻ còn chủ động, muốn vượt biên giới tránh cái họa của chủ nghĩa phát xít Nhật. Ta thêm cho họ một cái đẩy tay giúp họ vượt được ranh giới giữa mong muốn và hiện thực. Cứu là đối với những kẻ bất lực, trong một tình thế nguy nan tuyệt vọng, những kẻ bị giam trong nhà tù Nhật, chỉ chờ ngày tận số…Ta phá cũi sổ lồng, cứu những con mồi của thần chết. Bảo vệ là đối với những con người đang còn bị đe dọa. Ta cứu họ rồi lại còn tiếp tục bảo vệ, không chỉ tính mạng mà còn cả tài sản nữa. Cái chu đáo của lòng nhân đạo Việt Nam là như thế.

Vậy thì giữa những người Việt Nam như thế và những người Pháp như trên, ai bảo hộ ai? Và người Pháp có quyền gì đối với Việt Nam nữa không?
Việc tính sổ trên đã có thể giải đáp rõ ràng.
Thêm vào đó là một sự thực rành rành: từ tháng 9 - 1940 khi Nhật tràn qua Lạng Sơn vào Việt Nam, Pháp đã đầu hàng Nhật, đã bán chủ quyền nước ta cho Nhật. Về mặt pháp lý, một vật đã bán cho người khác tất thuộc quyền sở hữu của người đó. Và ta đã lấy lại vật ta đã mất từ tay Nhật. Như thế là về mọi mặt, dứt khoát Pháp không còn quan hệ gì với Việt Nam nữa. Bản tuyên ngôn có thể dõng dạc tuyên bố "thoát li hẳn quan hệ với Pháp".
Những từ, những ý lập lại (Sự thật là mùa thu...Sự thật là dân ta...) những ý phủ định thèm vào song song tạ các vế để nhấn mạnh (của Nhật, chứ không phải của Pháp) như chồng chất thêm những tầng lớp cản, ngăn cách dứt khoát mọi thứ bắt mối ảo tưởng về chủ quyền của người Pháp trên đất Việt Nam. Những trạng từ dùng trong quan hệ với Pháp: thoát li hẳn, xóa bỏ hết, xóa bỏ tất cả, như những nhát gươm sắc chém ngọt vào sợi dây dợ còn dính díu.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời không phải là một sự thật ngẫu nhiên. Đó là bước phát triển của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam vĩ đại. Chủ nghĩa anh hùng đó đã "đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ" bằng vô vàn những cuộc khởi nghĩa quật đổ những ngai vàng mà cuối cùng là của vương triều nhà Nguyễn mục nát. Bảo Đại buộc phải thoái vị để làm một người nông dân.
Chủ nghĩa anh hùng đó đã "đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay "bằng gươm súng, bằng máu xương của những Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và của những chiến sỹ vô sản bất khuất kiên cường.

"Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị". Một câu trong những câu hiếm của văn chương, cô đúc bao sự kiện lịch sử.

Cảnh về chiều của các tầng lớp thống trị thật buồn, mà những động tác gợi ra ở những điên viên lịch sử trên sân khấu Việt Nam thì thật ngoạn mục. Một kẻ chạy thục mạng đâm đầu xuống hố diệt vong. Một kẻ giơ tay nhận lấy phận đầu hàng. Một kẻ tụt từ trên ngai xuống, hai tay run rẩy nộp ấn, kiếm.

Động từ từ nhanh đến chậm. Nhịp câu văn từ nhanh, chậm lại, rồi ngừng như một chuyến tàu vét lịch sử lao từ xa tới, chậm lại để ngừng vĩnh viễn.

Ách thực dân, họa phát xít, tệ quân quyền, những rác rưởi ấy bị quét sạch, dọn chỗ đón một quốc gia mới, một chế độ mới. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời.

Những lẽ phải không ai chống cãi được, những lẽ phải mà Đồng minh đã công nhận trong các văn kiện còn chưa ráo mực ở hội nghị quốc tế Tê-hê-ran và Cự Kim Sơn, những hành động gan góc mấy năm qua cũng nhằm mục tiêu như Đồng minh: tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, củng cố cái quyền tồn tại của nước Việt Nam mới.

Nhưng trên hết và cơ bản nhất là quyết tâm vững như bàn thạch của cả một dân tộc có bốn nghìn năm bất khuất nói lên qua tiếng nói của vị Chủ tịch đâu tiên của mình: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập".

Ba đoạn cuối của bản tuyên ngôn độc lập là những đoạn văn thép: chất thép của ý chí Hồ Chí Minh, của ý chí Việt Nam.

Chất thép trong lập luận buộc Đồng minh phải công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam, lấy lời của họ để ràng buộc họ. "Chúng tôi tin rằng...". Tin có ý nghĩa tu từ. Mềm đấy, mà rắn đấy. Tin là tỏ vẻ tôn trọng họ, giá định phẩm chất tốt đẹp của họ. Đó là cách buộc họ phải tự trọng, nghĩa là buộc họ không được có sự bất nhất giữa lời nói và việc làm, "Không thể khong công nhận" quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. "Không thể không" hai phủ định nghe vẫn chắc chắn hơn một khẳng định.

Chất thép trong câu tiếp ở cái kết luận tất yếu của một thứ tam đoạn luận độc đáo vì có một vế ẩn mà lại rất rõ. Một dân tộc không chịu khuất phục, đã liên tục chiến đấu chống mọi ách nô lệ Pháp cũng như Nhật, dân tộc đó phải được độc lập. Phe Đồng minh gồm toàn những nước tự do. Một nước đứng về phe Đồng minh, cùng lí tưởng, cùng chiến đấu. Nước đó phải được tự do. Dân tộc đó là dân tộc Việt Nam. Vậy dân tộc Việt Nam phải được độc lập, nước Việt Nam phải được tự do.

Dân tộc, tự do, độc lập. Những từ thiêng liêng đó trở lại cùng với những tính từ gan góc, những trạng ngữ: 80 năm nay, mấy năm nay, những khẳng định: phải được nhưng hùng dũng gõ nhịp trong một điệp khúc của một bài hùng ca đòi quyền sống.

Chất thép trong đoạn cuối cùng là ở tính chất trịnh trọng của bản tuyên bố về một sự thực, về quyết tâm bảo vệ bằng bất cứ giá nào sự thực đó. "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập...Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Mỗi từ, mỗi từ đều có sức nặng và sau đó những lời thề thiêng liêng thét lên từ cửa miệng của một triệu người, trên cái âm vang của làn sóng bốn nghìn năm bất khuất càng thêm vững chắc. Bản tuyên ngôn kết thúc dứt khoát ngoan cường như một lời thách thức. Những kẻ thù của Việt nam mù quáng vì lòng tham, không đủ khôn ngoan sáng suốt lần lượt lao đầu vào chất thép Việt Nam và sẽ nghiệm thấy thấm thía cái ghê gớm trong lời cảnh báo của một Hồ Chí Minh, cảu một Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 KB: Như vậy , với tư duy sâu sắc , lập luận chặt chẽ , ngôn ngữ chính xác , dẫn chứng cụ thể , đầy sức thuyết phục , bản Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta , đánh dấu kỉ nguyên độc lập , tự do của nước Việt Nam mới .Tác phẩm là áng văn chính luận mẫu mực , bộc lộ tình cảm yêu nước thương dân , khát vọng độc lập tự do cháy bỏng của tác giả và toàn dân tộc TNĐL là áng văn bất hủ của nền văn học dân tộc .


Related

Ôn thi ĐH-CĐ 5562102212356578405

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến. Rất mong sự ghé thăm thường xuyên của bạn!

emo-but-icon

THANH MAI TV

GẦN ĐÂY

NỔI BẬT

BÌNH LUẬN

item