Đọc hiểu văn bản "Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ" như thế nào ?

Với mỗi tác phẩm văn học tôi thường đọc đi đọc lại nhiều lần. Việc làm này không giống với việc ăn lại một món ăn, đi lại một con đường h...

Với mỗi tác phẩm văn học tôi thường đọc đi đọc lại nhiều lần. Việc làm này không giống với việc ăn lại một món ăn, đi lại một con đường hay xem lại một bộ phim. Mỗi lần đọc là một lần phát hiện, một lần giật mình với những ý tưởng mới. Chẳng khác gì đi vào thế giới nội tâm của một cô gái trẻ thông minh, sâu sắc và đa cảm. Tôi cố không đi theo dấu chân của người trước bằng cách không đọc những bài viết của họ. Mới đây tôi đọc lại đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” trong SGK Ngữ Văn 10 và thấy còn nhiều điều chưa tỏ hết.


Đây là đoạn trích trong tác phẩm Chinh phụ ngâm, một kiệt tác văn học được coi là dồn nhiều huyết lực của Đặng Trần Côn. Bản dịch hiện hành trong SGK Ngữ Văn 10 tập 2 còn nhiều tranh cãi về chủ nhân. Nhưng dù là của ai thì chúng ta cũng đồng tình rằng đây là bản dịch xuất sắc vì đã lấy hết được cả sắc cả hồn của tác phẩm này. Nó giúp đưa tác phẩm này đến rộng rãi đọc giả.
Hai câu thơ đầu dựng nên bối cảnh chung để nhân vật xuất hiện:
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngòi rèm thưa rủ thác đòi phen
Các tính từ “vắng, thưa” dù dùng để đi liền với danh từ nào thì nó cũng tạo nên cảm giác vắng vẻ, tĩnh lặng. Trong không gian ấy người chinh phụ có những hành động “gieo từng bước; rủ thác đòi phen”. Đây là những hành động vô nghĩa được làm đi làm lại nhiều lần. Nó chứng tỏ nhân vật trữ tình đang có những nỗi niềm khó khỏa lấp. Nhân vật đang gậm nhấm thời gian bằng những việc làm vô nghĩa như vậy.
          Những câu thơ tiếp giúp người đọc định hình rõ tâm trạng nhân vật:
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
Đến đây qua hình ảnh chim thước (chim khách) giúp ta hiểu nhân vật đang mong chờ một người cụ thể. Nhưng nỗi mong nhớ rơi vào ngõ cụt (thước chẳng mách tin). Khao khát giao cảm, sẻ chia cũng vô vọng (Đèn… chẳng biết). Như vậy nhân vật bế tắc hoàn toàn. Chỉ có niềm “bi thiết” cứ lớn dần trong lòng người.
 Nhân vật trữ tình phải ôm khối sầu đè nặng hết ngày này qua ngày khác:
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khác thương
Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mỗi sầu dằng dặc tựa miền biển xa
Đoạn thơ này có một điều độc đáo là tạo ra một chu kì thời gian triền miên bằng các hình ảnh, chi tiết độc đáo. Nếu không tinh ý ta khó nhận ra. “Hoa đèn” nên hiểu như thế nào ? Ngọn đèn dầu cháy tỏa bóng thành quầng sáng hình tròn giống như bông hoa. Cùng với bóng người chinh phụ trong đêm vắng nó giúp cực tả cái hắt hiu, vắng lặng của gian phòng và sự cô lẻ của nhân vật. Nhưng “hoa đèn” cũng có thể hiểu là đầu bấc ngọn đèn cháy đã lâu tẽ ra những tàn tro màu đỏ giống như hoa. Nếu hiểu như vậy thì người đọc đoán được đây là thời điểm nửa đêm. Gà gáy “năm trống”, đây là thời điểm gần sáng. Hòe “rủ bóng bốn bên”, đó là thời điểm buổi trưa ngày hôm sau ( mặt trời lúc chính ngọ chiếu thẳng đứng nên cây hòa rủ bóng bốn phía). Như vậy thời gian tạo thành một chu kì, đêm hôm trước - gần sáng - trưa hôm sau.  Kéo dài theo chuỗi thời gian ấy nhân vật trữ tình phải đối diện với “mối sầu dằng dặc”, “thời gian đằng đẵng”. Nhân vật cứ đắm chìm trong cái “eo óc” của không gian, cái “phất phơ” của cảnh vật. Thật vô cùng sầu não, ảm đạm, sầu quẫn. Đọc những dòng này người đọc cũng cảm thấy ngột bởi nỗi sầu ghì nặng, bởi thời gian mải miết. Tất cả dồn con người vào trạng thái quẫn bách đến nghẹt thở.
Như một phản ứng rất bình thường, nhân vật trữ tình muốn thoát ra tâm trạng ấy:
Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng
Các hành động có thể kể ra: đốt hương, soi gương, gảy đàn. Có lẽ đây là những công việc thường nhật ngày xưa của người phụ nữ này. Qua điệp từ “gượng” ta thấy những hành động này được làm đầy miễn cưỡng, gượng gạo. Người phụ nữ như đã bị chết đi nhiều phần trong tâm hồn. Cô không thẻ nhập tâm làm bất cứ việc gì. Khói hương làm lòng người “mê mải”.  Nhìn lại nhan sắc mình lòng càng quặn đau, “lệ lại châu chan”. Nàng khóc bởi việc điểm trang giờ đây thật vô nghĩa, “vắng chàng điểm phấn tố hòng với ai”. Nàng khóc bởi nàng biết rõ theo thời gian nhan sắc người con gái sẽ tan phai nhanh chóng. Việc gảy đàn trong lúc này lại càng làm căng lên những kinh hại, lo sợ. Sợ dây đứt, phím chùng, thanh âm xáo trộn, lòng người vụn vỡ. Thành ra tất cả những việc làm ấy chẳng giúp lòng người khá hơn mà còn đẩy nỗi sầu hóa thành nỗi đau, biến nỗi nhớ thành dòng lệ ướt.
          Đến những câu cuối ta mới hiểu rõ vì đâu người phụ nữ rơi vào tình cảnh này:
Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Qua các hình ảnh “gió đông”, “non Yên” người đọc hiểu nguyên nhân của mọi sầu khổ của người phụ nữa trên bắt nguồn từ những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Những cuộc chiến hủy hoại những cuộc đời. Trải qua biết bao thế kỉ con người vẫn không thể thoát khỏi những cuộc chiến. Người phụ nữ vẫn chưa thể thoát khỏi nỗi cô đơn, sợ hãi. Nhưng họ vẫn luôn vĩ đại hơn tất cả những cuộc chiến, hơn tất cả những người lính dũng cảm nhất vì chưa bao giờ họ hết hy vọng, hết niềm tin, thôi chờ đợi. Người chinh phụ này cũng vậy. Vẫn không thôi khao khát gửi tấm lòng “nghìn vàng” của mình tới non Yên. Dẫu biết rằng đó là điều vô vọng. Họ luôn đáng để chúng ta trân trọng.s
          Nếu có một điều ước. Tôi mong con người không còn tranh đấu. Chiến tranh chỉ gieo thêm khổ sầu. Hãy tỏ ra ta là những con người. Biết âu yếm những nụ cười con trẻ. Biết nâng niu trái tim người phụ nữ. Chinh phụ ngâm là một lời tâm sự dài về những nỗi niềm chưa bao giờ hết ý nghĩa với cuộc sống con người.


Related

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ 831029145513018582

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến. Rất mong sự ghé thăm thường xuyên của bạn!

emo-but-icon

THANH MAI TV

GẦN ĐÂY

NỔI BẬT

BÌNH LUẬN

item