Cảm nghĩ đọc Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán

“ Hãy cho tôi một lần trở về tuổi thơ Với ước mơ bay theo cánh diều cao trong gió Hát nghêu ngao vang trên đường về, cùng bạn bè khi ...

“ Hãy cho tôi một lần trở về tuổi thơ

Với ước mơ bay theo cánh diều cao trong gió
Hát nghêu ngao vang trên đường về, cùng bạn bè khi tan lớp
Cứ mãi lang thang trễ giờ cơm, sợ mẹ đánh đòn
Hãy cho tôi một lần trở về tuổi thơ
Bắt chú ve non đêm về chờ nghe ve hát
Sống không âu lo không hận thù, chẳng sợ ngày mai tới
Hãy cho tôi, cho tôi trở về…”
Đó là tuổi đẹp nhất, đáng yêu nhất đối với mỗi con người. Ở tuổi đó chúng ta được ăn, được chơi và điều thích nhất là không phải lo âu, sầu nghĩ. Đây là quãng thời gian yên bình, tĩnh lặng nhất trong cuộc đời. Nhưng điều đó có lẽ không đúng với những ai sống trong thời chiến. Những chú bé đội trinh sát binh đoàn Trần Cao Vân trong Tuổi Thơ Dữ Dội cũng thế. Sinh ra khi đất nước nhuốm màu khói lửa, mới chỉ 13,14 tuổi đã xung phong bảo vệ quốc đoàn, tuổi thơ của những người chiến sĩ nhí ấy gắn liền với các trận đánh ác liệt, với mệnh lệnh nghiêm khắc của cấp trên,… và thậm chí cả sự chết chóc. Nhưng giữa những hiểm nguy của chiến trường, mỗi cậu bé vệ quốc đoàn đều mang trong mình sự lạc quan, tình yêu đời, yêu nước tha thiết.
Tôi sinh ra khi đất nước hòa bình, được bố mẹ chăm sóc chu đáo, chưa một lần phải đối mặt với những gian truân của cuộc đời. Với tôi, chiến tranh đơn giản chỉ là những câu chuyện mà bố mẹ, ông bà đã trải qua và kể lại, có gì đó rất xa xôi. Nhưng với ngòi bút chân thực đến ngỡ ngàng, Phùng Quán đã khiến tôi như sống trong ngày tháng chiến đấu ác liệt mà hào hùng của đất nước. Và trong bài Sự thật ừ ngòi bút Phùng Quán Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã nhấn mạnh: ''Ngay cả trong những tác phẩm nổi tiếng như Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội, mặc dù tiểu thuyết là một thể loại văn học cho phép nhà văn thả sức tưởng tượng và hư cấu, Phùng Quán vẫn tận dụng tối đa nhân vật, chi tiết có thật ngoài đời''. Những nhân vật thiếu niên mà Phùng Quán xây dựng trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội chính là nguyên mẫu của các thiếu niên đội trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân, Huế, nơi mà Phùng Quán đã từng chiến đấu suốt một thời tuổi thơ của mình.
Những câu chuyện rất thật trong ký ức Phùng Quán đã thành biểu tượng văn chương ám ảnh. Phùng Quán đã miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh của bốn nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen,... và một loạt các nhân vật khác như: Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát.
Mừng là một cậu bé nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đặc biệt rất hiếu thảo với mẹ. Em có thể leo khắp các ngọn cây bút bút để hái cây tầm gửi về chữa bệnh hen suyễn cho mẹ . Vì tình yêu dành cho mẹ em sẵn sàng đi khắp mọi nơi để tìm được thuốc. Và rồi em lẻn vào doanh trại với ý định tìm tầm gửi. Cứ nghĩ sẽ bị mắng nhưng không em đã được mọi người trong đoàn đón nhận một cách nhiệt tình và quan trọng hơn em đã được giác ngộ cách mạng. Mừng lập chiến công dẫn đường cho các chiến sĩ đi đánh ngôi lầu kiên cố của thằng thực dân cáo già Lơ-bơ-rít. Mừng nhờ người đưa lá tầm gửi về cho mẹ rồi tiếp tục theo bộ đội rút lên chiến khu, tại chiến khu em làm liên lạc. Mừng phát hiện âm mưu ăn cắp bản đồ của Kim Điệu - gián điệp của quân đội Pháp trà trộn vào chiến khu. Mừng cố ngăn chặn nhưng không được và bị cả chiến khu nghi là Việt gian.. Khi bị nghi oan là gián điệp Mừng đau đớn vô cùng, em cố thanh minh với mọi người nhưng chẳng ai tin em. Đến cả mẹ em, người luôn tự hào vì con trai bà được làm cách mạng cũng nghi ngờ em, và bà đã rời bỏ thế giới mà vẫn nghĩ con trai mình là Việt gian ...  Sau đó, quân Pháp đánh lên chiến khu Hòa Mỹ, em hy sinh khi giúp bộ đội giật bom giết địch lúc quân Pháp siết chặt vòng vây vào chiến khu. Và lời cuối cùng của em với Trung đoàn trưởng trước khi em ra đi: "Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!". Đó là lời cầu xin khẩn thiết của người chiến sĩ thiếu niên vừa tròn mười ba tuổi đời, yếu ớt và nhỏ gần như một hơi thở.
Quỳnh ''sơn ca" là con trai của phó tổng trấn Trung Kỳ, giỏi chơi đàn pian. Vì không muốn sống cuộc sống theo bọn thực dân Pháp của gia đình, em bỏ nhà đi Vệ quốc Đoàn. Em trở thành quản ca của đoàn. Trước cuộc đánh bom dinh của Lơ-bơ-rít, Quỳnh đạp phải miếng chai vỡ nhưng vẫn cố sức đi theo, trời tối em bị lạc đường, rơi xuống hố sâu được Mừng cứu mang về trại. Vết thương của em nhiễm trùng nặng, Quỳnh phải nằm điều trị ở viện quân y. Tại viện quân y em mang tiếng đàn và tiếng hát của mình phục vụ những bệnh nhân khác, em sáng tác bài hát "Sông Ô Lâu kháng chiến" cổ vũ tinh thần đấu tranh của bộ đội. Cảm động trước câu chuyện của Mừng đi tìm thuốc cho mẹ, em đã viết một vở nhạc kịch về Mừng. Bố mẹ Quỳnh nhờ người lên chiến khu xin cho Quỳnh về để đưa sang Thụy Sĩ ăn học. Uất ức trước những việc làm phản quốc của gia đình, Quỳnh vỡ tim mà chết. Cái chết của em thật đau đớn.
Lượm là nhân vật chiếm tỉ trọng lớn trong câu chuyện, sinh ra trong gia đình cách mạng nòi. Cha của Lượm bị bắt và đày ra Côn Đảo rồi chết ở đó rồi tên ông được đặt cho một con đường dưới Côn Đảo. Lượm gia nhập Vệ quốc Đoàn rồi được cử về trinh sát bám địch trong thành phố Huế chung với anh Đồng râu, Kim điệu và Tư dát và Lượm kết bạn với Tặng, một trinh sát địa phương. Sau thời gian hoạt động trót lọt, Kim Điệu bị bắt. Sau khi bị tra tấn dã man, Kim điệu khai hết về các hoạt động đội khiến Đồng râu bị giết. Còn Lượm, em bị bắt vào tù cùng với thằng Thúi- một em bé bán kẹo vừng nhưng bị giặc tưởng nhầm là Tư dát. Kể từ đó, Kim điệu quay sang làm điệp viên cho giặc. Sau hai lần vượt ngục không thành, Lượm bị chuyển sang nhà lao Thừa phủ. Lượm và Thúi kết hợp với Lép sẹo-một, tay anh chị nhí cùng ở tù và lập kế hoạch vượt ngục lần ba. Rút kinh nghiệm hai lần trước, Lượm làm ''cỏ-vê" cho một công sở của Pháp và chiếm được cảm tình của cai ngục và quan chức, lợi dụng sơ hở của địch, Lượm cài Lép sẹo và Thúi vào làm chung với mình. Lần này em đã tẩu thoát thành công, xong việc Lép sẹo hoàn lương và cả ba cùng Lượm tìm đường về chiến khu. Em đã thành công sau nhiều lần thất bại và dường như em trưởng thành hơn, thấm thía hơn những lời thơ cuả nhà thơ Tố Hữu
“Đời cách mạng từ đây tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ súng kề tai
Là thân sống chỉ coi bằng một nữa ”.
Bằng những lời văn hết sức chân thực, Phùng Quán đã đưa chúng ta về thời máu lửa mà các em đã sống, đã chiến đấu và hi sinh để rồi rơi lệ vì những hành động, sự hi sinh hết sức dũng cảm của những cậu bé thiếu niên ấy.
Đúng như cái tên của nó “ Tuổi thơ dữ dội ” khiến người đọc cũng cảm thấy dữ dội, dữ dội với những chi tiết, dữ dội với cuộc chiến cam go nhưng trên hết là tình bạn, tình đồng chí, tình người- thứ ánh sáng soi rọi và xuyên suốt tác phẩm.
Đọc tác phẩm “ Tuổi thơ dữ dội ” chính là đọc lại một phần lịch sử của tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào. Đây chính là cuốn sách làm thay đổi cuộc đời mà các bạn nên tìm đọc để hiểu hơn về cuộc sống khổ cực trăm bề nhưng cũng rất đỗi tự hào của cả một thế hệ thanh thiếu niên đi trước.
Chúng ta, những người được sinh ra trong thời bình cần biết ơn sâu sắc công lao to lớn của thế hệ trước đã hi sinh xương máu để được giành độc lập như ngày hôm nay.Từ đó, mỗi chúng ta có thể tự suy ngẫm, tự xác định cho mình một con đường cũng như một lí tưởng sống sao cho đúng đắn và có ích đối với quê hương đất nước.
                                                                                                Bài viết học sinh (Hằng Khương -A1 K13  )










Related

SÁCH HAY 1510995379549380599

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến. Rất mong sự ghé thăm thường xuyên của bạn!

emo-but-icon

THANH MAI TV

GẦN ĐÂY

NỔI BẬT

BÌNH LUẬN

item