Thầy và những hồi ức.

                       Tôi rong xe chầm chậm trên con đường quen thuộc của những năm tháng học trò. Con đường đến trường hôm nay nắng chiề...


                       Tôi rong xe chầm chậm trên con đường quen thuộc của những năm tháng học trò. Con đường đến trường hôm nay nắng chiều đỏ ruộm, những rọi nắng chiếu xuyên qua tán cây thi thoảng lóe lên như ai giấu những quả cầu thủy tinh trong vòm lá. Một bên là dòng sông đỏ phù sa, một bên là cánh đồng xanh mươn mướt. Tôi như đang chạy ngược về quá khứ trên một thức phim màu đầy chân thực, rõ nét. Những hồi ức về thầy cô, mái trường lại ùa về trong tâm trí.
Trên đường đời, ta đã gặp biết bao những người thầy say mê, nhiệt huyết với nghề. Họ chỉ cho ta những điều hay, lẽ phải, dạy dỗ ta nên người. Nhớ về họ ta vừa cảm phục vừa biết ơn, trân trọng.
Hôm nay tôi ghé qua trường cũ để thăm thầy chủ nhiệm. Ngôi trường tôi đã gắn bó suốt 3 năm THPT. Đó là những ngày tháng tươi đẹp nhất của tuổi học trò. Thầy tôi chỉ còn công tác hơn một năm nữa là về nghỉ hưu. Tôi ngồi chờ thầy ở ghế đá dưới một gốc cây xà cừ. Hàng cây đã ngoài 50 năm tuổi rợp bóng cả một khoảng trời. Biết bao mộng mơ của những tháng năm học trò đã lớn lên từ nơi đây. Những kí ức của năm tháng ấy cứ lững lờ trôi đi như đám mây đang thong rong qua biển lớn.
Năm 2007 tôi bước vào lớp 10. Khi đó nhà trường tổ chức sắp xếp lớp học theo hướng phân ban. Tôi đăng kí vào lớp Văn. Kể từ đấy cuộc đời tôi gắn liền với con đường “văn nghiệp”. Học lớp văn, tốt nghiệp khoa văn và ra trường làm một thầy giáo dạy văn. Tôi vẫn gọi đó là một lựa chọn rất “thi vị”. Điều “thi vị” trước tiên là kể từ đó trong mọi môi trường học tập, làm việc của tôi luôn rất nhiều các bạn nữ. Lớp cấp 3 của tôi có 43 thành viên thì 32 bạn là nữ. Lớp học ngày đó của chúng tôi được tổ chức rất quy củ. Các bạn trong lớp thường được thầy sắp xếp vị trí ngồi xen kẽ giữa bạn nam và bạn nữ, bạn học tốt và bạn học yếu. Vậy nên các bạn hỗ trợ nhau được nhiều trong học tập và lớp cũng đoàn kết hơn. Lớp học được thầy tổ chức thành 4 tổ. Các tổ trưởng thay phiên nhau làm công tác trực tuần theo dõi tình hình lớp để cuối tuần báo cáo. Còn lớp trưởng chịu trách nhiệm theo dõi bao quát chung. Tôi đã học tập được nhiều điều từ cách xây dựng tính kỉ luật và tự giác cho các em học sinh trong lớp của thầy. Tôi vẫn nhớ có lần thầy kể: trong bộ phim Tây Du Kí có nhân vật Tôn Ngộ Không. Ngộ Không bản tính thông minh nhưng ương bướng ngang ngạnh đã không ít lần làm trái lời dạy của sư phụ. May thay Quán Thế Âm Bồ-tát ban cho vòng Kim Cô, sư phụ mới có thể khắc chế được. Thầy bảo vòng Kim Cô đó chính là kỉ luật. Không có chiếc vòng ấy, Ngộ Không khó có thể tu thành chính quả. Từ đó tôi mới vỡ lẽ về ý nghĩa của chiếc vòng Kim Cô thần kì.                       
 Ngày xưa, tôi là một cậu học trò ít nói. Các bạn trong lớp thường bảo tôi lạnh lùng. Nhưng tôi thì nghĩ đó chỉ là vẻ bề ngoài. Tôi thường hay nghĩ ngợi nhiều. Nghĩ về tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh mình, ngay cả với những điều vặt vãnh nhất. Những diễn biến của lớp học ngày đó tôi luôn nhớ rõ. Mọi thứ vẫn mới mẻ như mới ngày hôm qua, đậm đà như một chất men được ủ kĩ. Những kỉ niệm đối với tôi là vị nêm không thể thiếu cho thực tại. Nó khiến những ngày tôi đang sống được tròn vị.
Cuối năm lớp 11, cả lớp tôi bỗng trở nên rối loạn khi có thêm thành viên mới. Đó là một bạn nữ mới chuyển từ trường khác về và được biên chế vào lớp tôi. Nghe đâu là gây gổ đánh nhau bị kỷ luật nên mới xin chuyển trường. Gương mặt ngổ ngáo, dáng đi ngênh ngang, miệng luôn nhai kẹo tóp tép. Bạn ấy nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút mọi sự chú ý. Chỉ sau một tuần học người bạn mới đã dựng lên quanh mình cả một thế lực, những tay chân và anh em “chiến hữu”. Bọn con trai chúng tôi cũng phải dè chừng khi chạm mặt. Cả mấy tuần liền xếp hạng thi đua của lớp tôi tụt dốc không phanh. Chúng tôi hồi hộp đợi chờ xem thầy sẽ xử lý ra sao? Tuy nhiên những giờ sinh hoạt vẫn diễn ra êm đẹp. Thầy không quát mắng ai cả. Nhưng có một điều kì lạ là chỉ một vài tuần sau, chúng tôi chứng kiến bạn nữ mới đến ý thức ngày cảng tốt lên. Thầy đã làm thế nào để thay đổi bạn ấy? Sau này có lần tôi đã hỏi. Thầy chỉ trả lời vỏn vẹn “phải biết kéo học trò về phía mình em ạ”. Tôi vẫn luôn nhớ câu nói đó của thầy. Tôi còn nhận ra những học sinh “cá biệt” lại chính là những học trò giàu sức sống nhất. Chúng vô cùng cá tính. Chúng đầy ắp trong đầu những ý tưởng. Chúng có khả năng gây ảnh hưởng và biết cách lôi kéo người khác đi theo mình. Tôi nghĩ, ở một góc nhìn khác chúng là những học sinh đặc biệt. Người bạn chuyển đến lớp tôi năm xưa bây giờ đã là bà chủ của một nhà hàng lớn nhất nhì huyện. Trong những lần gặp gỡ bạn luôn vẫn là người “quản trò”. Cuộc sống sẽ bớt thú vị biết bao nhiêu nếu thiếu đi những học sinh cá biệt như vậy.
 Thầy vẫn thường nói với chúng tôi “Điều quan trọng trong học tập là nội lực”. Và quả thật thầy đã tạo nội lực cho chúng tôi bằng nhiều cách. Thầy thường vẽ ra trước mắt chúng tôi viễn cảnh của sự thất bại. Thầy khiêu khích vào lòng tự trọng để chúng tôi nỗ lực. Thầy cho chúng tôi thấy trước sự vinh quang để chúng tôi biết khao khát. Trong một số buổi học ôn, thầy thường mời về lớp những anh chị khóa trước, đạt thành tích cao trong kì thi đại học và đã là sinh viên của những trường đại học danh giá. Chúng tôi đã thích thú vô cùng. Những cuộc trò chuyện càng làm tăng thêm trong chúng tôi sự quyết tâm. Lớp chúng tôi ngày đó các bạn lao vào học như một “chiến binh” đang chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Những giờ chơi các bạn say sưa ngồi hỏi bài nhau. Chúng tôi đã học tập với những lí tưởng vô cùng cao đẹp mà thầy đã nhóm lên. Kì thì Đại học năm ấy 2/3 lớp chúng tôi đã đỗ nguyện vọng 1. Những bạn khác trong những năm sau cũng đã đều đạt được mục tiêu của mình. Các em học sinh bây giờ dường như có nhiều lựa chọn hơn thế hệ chúng tôi. Các em có thể đi du học, đi học nghề, đi học chuyên nghiệp với đủ các loại hình đào tạo  hoặc nếu không cũng có thể đi làm ngay...Mọi lựa chọn đều mở ra cho các em một cơ hội để có thể tự lập và lo cho cuộc sống của mình. Còn lứa chúng tôi ngày đó, đi học Đại học dường như là con đường duy nhất và tốt nhất để có thể thay đổi cuộc sống của mình và gia đình. Quê tôi ngày đó chưa có nhiều nhà máy và khu công nghiệp như bây giờ. Các loại hình dịch vụ, kinh doanh, buôn bán cũng chưa phát triển. Thanh niên học xong cấp 3 nếu không thi đỗ vào trường nào thì chỉ còn lại một số ít lựa chọn. Ở nhà làm ruộng hoặc đi làm tại các mỏ vàng trên mạn Cao Bằng, Bắc Cạn. Nếu không thì vào miền Nam kiếm sống hoặc tìm đường đi xuất khẩu lao động. Lựa chọn nào cũng đầy chông chênh cả. Mỗi giai đoạn xã hội luôn đưa đến trước mắt người trẻ những cơ hội và thách thức. Chúng ta phải tìm ra được mục đích, sứ mệnh của riêng mình. Tôi đang là ai? Và tôi muốn trở thành như thế nào? Nhờ những tiết học văn, nhờ giọng giảng văn say sưa của thầy mà ngọn lửa với tình yêu văn học trong tôi được nhen lên. Tôi sẽ đi tiếp trên con đường thầy đã đi.
Ngày chia tay, thầy hẹn chúng tôi 10 năm sau sẽ tổ chức họp lớp,  gặp mặt. Chúng tôi nhao nhao phản đối vì nghĩ rằng 10 năm thì lâu quá. Vậy mà thấm thoắt đã gần 10 năm kể từ ngày ra trường. Mỗi bạn sau khi học xong đều phải tất bật để lo lắng cho cuộc sống của mình. Có bạn đã tạm yên ổn, nhiều bạn vẫn còn dở dang, Có người thì vẫn loay hoay tìm hướng đi. Hóa ra 10 năm không dài như trước đây chúng tôi từng nghĩ.
Hàng năm vào những dịp lễ, tết tôi vẫn thường về thăm thầy. Đường về nhà thầy đi men theo sườn một ngọn đồi, vượt qua giữa một cánh đồng rồi phải xuống đi bộ dắt xe qua một cây cầu nhỏ gầy guộc. Đường về nhà thầy gồ ghề, quanh co, những mùa mưa thì đặc quánh đất đỏ. Con đường ấy cũng gian nan như con đường làm người, con đường chinh phục tri thức. Mỗi lần đi trên con đường ấy tôi vẫn thường tự nhủ như vậy. Dường như tôi đã thuộc từng ổ gà, ổ vịt, từng mô đất, tảng đá trên con đường ấy. Cái cổng nhỏ rải đá cuội, cái sân gạch vuông vắn trước một ngôi nhà kẻ gỗ đã lên màu rêu ngói. Đó là nhà của thầy, là nơi chúng tôi trở về. Hàng năm cứ đến ngày 20/11 và dịp tết truyền thống là các thế hệ học trò lại lũ lượt về đây. Ba gian nhà lại nức tiếng nói cười. Có những người học trò tóc đã điểm bạc, có những cô cậu mới ở tuổi thiếu niên. Chúng tôi đều là học trò của thầy các thế hệ.
Mỗi chúng ta đều có những vùng kí ức của riêng mình. Có kí ức đẹp như những hạt ngọc long lanh. Những cát bụị thời gian dường như sẽ càng làm chúng thêm sáng tỏ. Trên sân trường những chiếc lá khô lăn tròn đùa rỡn với cơn gió. Có chút heo may se sắt lòng người. Những hạt bụi vàng long lánh bay lên trong làn nắng từng luồng thắng tắp từ trên cao rọi xuống. Từ xa tôi đã thấy dáng thầy chậm rãi, quen thuộc.
Tôi đứng cúi đầu chào thầy.

----Hết----

Related

Sáng tác 9201720530876098344

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến. Rất mong sự ghé thăm thường xuyên của bạn!

emo-but-icon

THANH MAI TV

GẦN ĐÂY

NỔI BẬT

BÌNH LUẬN

item